Tìm kiếm hạt ngọc​​​​​​​ âm nhạc cổ điển Việt Nam

VHO- Nhằm tìm kiếm tài năng biểu diễn âm nhạc thính phòng, đồng thời động viên, khuyến khích và tôn vinh các tập thể, cá nhân tâm huyết trong việc tìm tòi, tiếp thu những tinh hoa của nền âm nhạc thính phòng thế giới, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức “Cuộc thi Âm nhạc mùa thu 2023” và “Cuộc thi hát Thính phòng, Nhạc kịch, Hợp xướng toàn quốc 2023” từ ngày 26.11 - 1.12, tại Hà Nội.

Tìm kiếm hạt ngọc​​​​​​​ âm nhạc cổ điển Việt Nam - Anh 1

 Một tiết mục tại Cuộc thi Âm nhạc mùa thu năm 2019

 Thực hiện quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật Biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở VHTT thành phố Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội và các đơn vị có liên quan tổ chức hai cuộc thi trên.

Cơ hội cho những tài năng âm nhạc hàn lâm so tài

Có thể khẳng định, Âm nhạc mùa thu là cuộc thi quốc gia duy nhất về âm nhạc cổ điển được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) tổ chức lần đầu vào năm 1990. Qua các lần tổ chức, cuộc thi đã trở thành sân chơi hướng tới tất cả các đối tượng diễn viên, học sinh, giảng viên hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn, giảng dạy âm nhạc giao hưởng thính phòng; tìm ra được nhiều tài năng âm nhạc cho đất nước, đóng góp nguồn nhân lực cao vào sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật của nước nhà trong những năm qua.

Q. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly nhấn mạnh, thông qua hai cuộc thi là dịp để các nhà quản lý, nghiên cứu nghệ thuật đánh giá đúng thực trạng lực lượng nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc thính phòng thuộc các đơn vị nghệ thuật, cơ sở đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp trên toàn quốc trong thời gian qua. Từ đó, đề xuất những giải pháp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện tài năng trẻ và cung cấp nguồn nhân lực tham gia các sự kiện liên hoan, cuộc thi trong khu vực và quốc tế...

Thí sinh, nhóm thí sinh tham gia cuộc thi là công dân Việt Nam đủ độ tuổi quy định ở từng nội dung thi tính đến năm tổ chức cuộc thi (độ tuổi tính theo CCCD hoặc CMTND đang có hiệu lực); là diễn viên đang hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài công lập có tư cách pháp nhân; là giảng viên, người đang theo học tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài công lập hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (đối với thí sinh thuộc các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập, yêu cầu có thời gian hoạt động chuyên nghiệp từ 12 tháng trở lên tính đến năm tổ chức cuộc thi). “Thí sinh, nhóm thí sinh dự thi phải thể hiện được các đặc trưng cơ bản riêng của từng thể loại trong loại hình âm nhạc thính phòng. Khuyến khích những tác phẩm mới của tác giả Việt Nam sáng tác cho loại hình âm nhạc thính phòng, có sáng tạo trong phong cách biểu diễn…”, bà Ly cho biết.

Tiếp thêm dũng khí con đường sáng tạo nghệ thuật

Âm nhạc cổ điển trải qua hàng trăm năm phát triển đã và đang chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa nghệ thuật của mỗi quốc gia trên thế giới. So với nhiều nền âm nhạc trên thế giới, âm nhạc cổ điển tại Việt Nam còn non trẻ nhưng đã đạt được những thành tích đáng ghi nhớ.

Nhiều nghệ sĩ đã giành được những giải thưởng cao tại các cuộc thi âm nhạc có uy tín trong khu vực và trên thế giới. Âm nhạc hàn lâm Việt Nam là một bộ phận không thể thiếu để làm nên thương hiệu quốc gia. Trong vài năm trở lại đây, ở Việt Nam, âm nhạc hàn lâm đang từng bước tiến lại gần hơn với công chúng thông qua nhiều hình thức biểu diễn khác nhau và đã gặt hái được nhiều thành công. Minh chứng là những buổi biểu diễn hòa nhạc luôn cháy vé; đối tượng khán giả cũng đa dạng, nhất là đã thu hút một lượng đông đảo khán giả trẻ cùng tham gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiếm lắm mới có một cuộc thi âm nhạc dành cho dòng nhạc giao hưởng thính phòng nên HSSV, các tài năng âm nhạc hàn lâm trẻ luôn khao khát có một cuộc thi tầm cỡ được tổ chức định kỳ, lâu dài.

Nay không chỉ HSSV vui mừng khi cuộc thi Âm nhạc mùa thu 2023 cuộc thi hát Thính phòng, Nhạc kịch, Hợp xướng toàn quốc 2023 trở lại, mà GS danh dự KazNUA, NSƯT Bùi Công Duy, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng không giấu nổi cảm xúc khi là một nghệ sĩ đoạt giải nhất tại cuộc thi Âm nhạc mùa thu năm 1990. “Âm nhạc mùa thu là một cuộc thi danh giá và có giá trị rất lớn trong đời sống xã hội văn hóa lúc bấy giờ. Khi đó tôi đoạt giải và đã được Ban tổ chức mời vào Phủ Chủ tịch để dự lễ nhận giải. Điều này cho thấy Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến văn hóa”, NSƯT Bùi Công Duy nhớ lại, đồng thời cho biết, sau một vài năm ngắt quãng, Âm nhạc mùa thu sẽ chính thức khai mạc vào ngày 26.11 và kéo dài tới ngày 1.12 là niềm vui lớn đối với những ai quan tâm đến nhạc

 giao hưởng thính phòng. Cuộc thi được đánh giá là một trong những sự kiện văn hóa quan trọng; là dịp để các thí sinh có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và học hỏi lẫn nhau để nâng cao nhận thức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời cũng là cơ hội để mỗi thí sinh có thể phấn đấu thể hiện hết mình với những đam mê cháy bỏng dành cho âm nhạc cổ điển.

Hai cuộc thi được những người làm nhạc cổ điển coi là một đối trọng đáng mừng với những cuộc thi nhạc trẻ đang được tổ chức tưng bừng khắp nơi, để khuyến khích những người yêu nghệ thuật cổ điển thêm dũng khí trên con đường sáng tạo nghệ thuật còn lắm gập ghềnh. Đặc biệt, cuộc thi được tổ chức vào lúc này là minh chứng cho việc Nhà nước đang rất quan tâm đến vấn đề văn hóa và coi trọng âm nhạc hàn lâm. “Tôi mong muốn cuộc thi sẽ được tổ chức thường niên 3 hoặc 4 năm một lần. Bởi đây là cuộc thi mang tầm quốc gia có nhiều ý nghĩa và rất cần thiết trong việc nâng cao nền giáo dục âm nhạc của đất nước bắt kịp tốc độ phát triển âm nhạc mạnh mẽ của thế giới; giúp các thí sinh biết được thế mạnh của mình để có kế hoạch mang tính dài hơi trên con đường sự nghiệp trong tương lai; tạo môi trường để các thí sinh có thể thi đấu, rèn luyện tốt bản lĩnh trên sân khấu. Và đặc biệt hơn cả là tìm ra những tài năng mới có thể tỏa sáng trong âm nhạc hàn lâm nước nhà” GS danh dự KazNUA, NSƯT Bùi Công Duy chia sẻ. 

 “Cuộc thi Âm nhạc mùa thu 2023” gồm 2 nội dung thi: Độc tấu âm nhạc thính phòng (các thí sinh Độc tấu đàn Piano và Độc tấu đàn Violon) và Hòa tấu âm nhạc thính phòng (các Nhóm thí sinh Tam tấu (hòa tấu 03 nhạc cụ), Tứ tấu (hòa tấu 4 nhạc cụ), Ngũ tấu (hòa tấu 5 nhạc cụ) và các hình thức hòa tấu thính phòng khác). “Cuộc thi hát Thính phòng, Nhạc kịch, Hợp xướng toàn quốc - 2023” gồm 2 nội dung thi: Hát Thính phòng, Nhạc kịch (các thí sinh Giọng nữ cao, Giọng nữ trung, Giọng nam cao, Giọng nam trung và Giọng nam trầm) và Hợp xướng (là Nhóm thí sinh lựa chọn đăng ký một trong các hình thức Hợp xướng nữ, Hợp xướng nam và Hợp xướng hỗn hợp).

THANH NGỌC

Ý kiến bạn đọc